Thị trường di động toàn cầu nhận tin tốt

Theo đó, số lượng hàng xuất xưởng đạt 296,9 triệu thiết bị. Tốc độ tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh trên toàn cầu đã chậm lại trong quý thứ ba liên tiếp. 

Thị trường di động toàn cầu nhận tin tốt - 1

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong giai đoạn quý I đã ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Tom’s Guide).

Dù vậy, đây vẫn được xem là một tin tốt khi mức tăng trưởng của thị trường được duy trì. Các chuyên gia tại Canalys cho rằng mùa cao điểm nâng cấp điện thoại đã kết thúc, các nhà sản xuất hiện ưu tiên việc xử lý hàng tồn kho hơn.

Trong quý I, Samsung tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường khi xuất xưởng 60,5 triệu thiết bị, tương đương với 20% thị phần. Thành công này đến từ thế hệ Galaxy S25 và các sản phẩm dòng A mới có giá bán cạnh tranh.

Apple xếp thứ hai với 55 triệu thiết bị được xuất xưởng, tương đương 19% thị phần di động toàn cầu. Điều này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng ở các thị trường như châu Á Thái Bình Dương và Mỹ.

Xiaomi xếp ở vị trí thứ ba với 41,8 triệu thiết bị xuất xưởng. Hai nhà sản xuất khác là vivo và OPPO lần lượt đứng thứ tư và thứ năm, với số lượng hàng xuất xưởng đạt 22,9 triệu và 22,7 triệu thiết bị.

“Những thị trường từng tăng trưởng mạnh như Ấn Độ, Mỹ Latinh và Trung Đông, đang trải qua sự sụt giảm đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu nâng cấp điện thoại đã dần trở nên bão hòa. Thị trường châu Âu cũng đã giảm sau một thời gian phục hồi ngắn ngủi.

Tuy vậy, một số khu vực như Trung Quốc hay châu Phi vẫn cho thấy nhu cầu mạnh mẽ. Các nhà sản xuất vẫn có thể tăng trưởng bằng cách tối ưu hóa danh mục sản phẩm theo từng khu vực”, Toby Zhu, nhà phân tích tại Canalys, nhận định.

Thị trường di động toàn cầu nhận tin tốt - 2

Thị trường được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong quý II và nửa cuối năm (Ảnh: WinFuture).

Le Xuan Chiew, giám đốc nghiên cứu tại Canalys, cho rằng các nhà sản xuất smartphone đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình hình căng thẳng thương mại trên toàn cầu.

Thêm vào đó, phân khúc di động trung cấp (200-400 USD) ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Điều này khiến cho các thương hiệu gặp khó trong việc tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa chi phí và giá bán sản phẩm.

“Dù vậy, nhiều thương hiệu điện thoại lớn vẫn lạc quan về sự hồi phục của thị trường trong giai đoạn quý II và nửa cuối năm. Một số khu vực như Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã cho thấy dấu hiệu phục hồi vào tháng 3.

Ngoài ra, mức tồn kho giảm kết hợp với việc ra mắt các sản phẩm tầm trung và giá rẻ mới vào giữa năm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trở lại”, chuyên gia tại Canalys chia sẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 5 =