Từ 25/12, người dùng mạng xã hội không được đặt tên dễ gây hiểu lầm

Điều 36 Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành, có những quy định về quyền và nghĩa vụ của người dùng mạng xã hội như sau:

– Được bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

– Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

– Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, chia sẻ trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.

Từ 25/12, người dùng mạng xã hội không được đặt tên dễ gây hiểu lầm - 1

Người dùng mạng xã hội tại Việt Nam không được đặt tên tài khoản, tên trang hoặc hội/nhóm… dễ gây hiểu lầm là cơ quan báo chí hoặc đang hoạt động báo chí (Ảnh minh họa: TGDD).

– Các tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội có quyền đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) để được tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật về cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo.

– Tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện việc cung cấp thông tin, dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, thanh toán khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động giao dịch liên quan trên mạng xã hội.

– Chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã…

– Người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình; có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, ảnh hưởng đến trẻ em, chậm nhất trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ.  

– Người dùng cá nhân, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội cũng cần phải quản lý, giám sát bình luận trên các nội dung do mình đăng tải, chia sẻ… và xóa bỏ các bình luận chứa nội dung vi phạm hoặc các bình luận bị cơ quan chức năng yêu cầu xóa bỏ.

– Người dùng cá nhân, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

Như vậy, kể từ ngày 25/12, thời điểm Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, người dùng cá nhân và chủ kênh nội dung, quản trị trang/nhóm cộng đồng trên mạng xã hội phải có trách nhiệm hơn trong việc đặt tên tài khoản; giám sát các bình luận của người dùng trên các nội dung mình chia sẻ và phải xóa các bình luận vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Cũng theo Điều 7 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các tài khoản mạng xã hội cá nhân, hội/nhóm cộng đồng hoặc các kênh nội dung trên mạng xã hội có thể bị tạm khóa nếu thường xuyên đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật và sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 − eight =